3 cách bào chế dược liệu khô hiệu quả

Cách bào chế dược liệu

Cách bào chế dược liệu khô rất đa dạng và phong phú. Song, nguyên tắc chế biến dược liệu có 3 cách cơ bản: Cách bào chế dược liệu bằng hỏa chế, cách bào chế dược liệu bằng thủy chế, cách bào chế dược liệu kết hợp thủy hỏa chế.

bào chế dược liệu

1. Cách bào chế dược liệu bằng hỏa chế

Cách bào chế này dùng sự tác động của nhiệt độ, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp qua những phụ liệu trung gian nhằm mục đích thay đổi tính chất, tác dụng, độc tính của các dược liệu, và giúp bảo quản thuốc.

Mục đích của cách bào chế dược liệu bằng hỏa chế

– Bào chế đông dược dùng hỏa chế giúp làm tăng tính ấm, giảm tính hàn của các vị thuốc.

– Giúp ổn định các hoạt chất có trong vị thuốc.

– Giảm các tác dụng không mong muốn, giảm độc tính của vị thuốc.

– Giúp làm giảm độ bền cơ học của vị thuốc. Do các chất hữu cơ bị phân hủy, các liên kết hữu cơ bị phá vỡ. Tăng thời gian bảo quản thuốc và có thể thay đổi tính chất, do đó làm tăng hiệu lực chữa bệnh của các vị thuốc.

Các cách bào chế:

– Sao trực tiếp: Cách bào chế này dùng sự tác động của nhiệt độ khô, không được quá 250ºC, dùng nhiệt độ trực tiếp để thay đổi tính chất, tác dụng, độc tính của thuốc, để bảo quản thuốc.

+ Sao qua: Cách sao này dùng nhiệt độ không quá 80ºC. Nhằm làm khô thuốc, thuốc có mùi thơm, tránh được mối mọt và các thành phần hoạt chất được ổn định. Với cách sao này, để kiểm soát lượng nhiệt ổn định, có thể sử dụng máy chế biến dược liệu. Máy sấy này có thể sấy được từ 50-80kg nguyên liệu trên một mẻ, nhiệt độ được điều chỉnh tự động trong khoảng 40ºC – 80ºC.

+ Sao vàng: Dùng nhiệt độ khoảng 100ºC đến 150ºC, khi sao dùng nhỏ lửa, sao lâu. Trước khi đem sao cần làm ẩm thuốc để tăng sức nóng thấm sâu vào trong thuốc mà thuốc không bị cháy cạnh. Thuốc đạt yêu cầu khi mặt bên ngoài thuốc có màu vàng, bên trong vẫn giữ nguyên màu của dược liệu, mùi thơm, thuốc khô.

+ Sao vàng hạ thổ: Dùng dược liệu đem sao vàng rồi đổ xuống nền đất sạch, sau đó đậy lại từ 10 đến 30 phút. Phương pháp giúp hạ nhanh nhiệt độ, tránh ảnh hưởng tiếp theo của nhiệt độ đến dược liệu. Cách sao này nhằm mục đích cân bằng âm dương cho vị thuốc, (tăng thêm tính âm, giảm tính dương). Thuốc khô nhanh, dễ bảo quản, thuốc có mùi thơm.

+ Sao vàng xém cạnh: Dùng lửa to để sao, đặt chảo lên khi nào chảo nóng mới bỏ thuốc vào sao, đảo đều. Đến khi phần vỏ thuốc màu vàng, mép phiến xém cạnh đen cháy, thuốc có mùi thơm cháy nhẹ là được. Cách này áp dụng cho các vị thuốc có tính chất, chua, tanh; giúp làm giảm các mùi vị khó chịu, làm thuốc thơm và vẫn đảm bảo được chất lượng thuốc.

+ Sao đen: Phương pháp này nhằm mục đích cầm tả, tiêu thực, giảm đi tính mãnh liệt của vị thuốc. Nhiệt độ khi sao vào khoảng 190ºC – 220ºC. Khi lửa to chảo già mới cho thuốc vào và đảo đều. Sao đến khi thuốc có màu đen ở mặt ngoài, màu vàng ở bên trong, nhiệt độ chênh lệch của mặt trong và ngoài vào khoảng 50ºC đến 60ºC là được.

+ Sao cháy: Nhiệt độ phù hợp để sao cháy dược liệu vào khoảng từ 200ºC đến 240ºC. Cho thuốc vào chảo và đảo đều khi lửa đã to già. Đảo đều thuốc đến khi khói lên nhiều rồi mang ra úp vung lại và để nguội. Sản phẩm thuốc sau khi sao đạt yêu cầu là mặt ngoài có màu đen, mặt bên trong có màu nâu đen. Nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài chênh lệch khoảng 20ºC đến 30ºC.

Sao đen nhằm mục đích để vị thuốc có vị đắng, từ đó tăng tác dụng chỉ huyết và dẫn thuốc vào tâm. Khi sao cháy dược liệu cần chú ý là dược liệu cần to đều, mục tiêu là sao thuốc chứ không phải là đốt thuốc.

– Sao gián tiếp: Phương pháp sao này dùng một số phụ liệu trung gian để truyền nhiệt đến các vị thuốc.

+ Sao với cát: Dùng cát mịn sạch để sao cùng dược liệu. Sao nóng dược liệu và cát với ngọn lửa to dần, đảo đều đến khi được thì đổ ra sàng và sàng lấy phần thuốc. Cách này làm cho dược liệu có bề mặt lồi lõm, khô cứng sẽ được phồng đều, có màu vàng, không bị cháy, và giảm được độc tính của dược liệu.

+ Sao với cám: Giúp tăng tác dụng kiện tỳ và hòa vị của dược liệu, sản phẩm thuốc sẽ có mùi thơm của cám và màu vàng.

+ Sao với gạo: Cách này giúp tăng tính khô của thuốc và tăng tác dụng kiện tỳ.

+ Sao với văn cáp, hoạt thạch: Cách này áp dụng đối với các dược liệu dẻo dính, giúp các dược liệu không bị dính vào nhau, bớt mùi tanh, khét. Nhiệt độ khi sao phù hợp vào khoảng 200ºC – 250ºC.

– Nung: Phương pháp này sử dụng lượng nhiệt cao có thể trên 1000ºC. Dược liệu nung trong thời gian dài, nhiệt lượng lớn nhằm làm phá vỡ cấu trúc, vô cơ hóa thuốc tạo ra Ca3(PO4)2, CaCO3 hoặc loại bỏ nước. Làm cho dược liệu tơi, xốp, bở, dễ tán mịn, hoặc làm tinh khiết.

Phương pháp này thường áp dụng với các dược liệu như khoáng vật, xương động vật rắn: vỏ hà, thạch tín, phèn chua, đã kẽm,…

Có 3 cách nung: Nung trực tiếp, nung gián tiếp, thăng hoa.

– Lùi: Phương pháp này đưa thuốc vào tro nóng không bén lửa bằng trực tiếp hay gián tiếp qua bọc giấy hoặc cám. Đến khi thuốc chín hoặc khô vật liệu trung gian. Phương pháp này giúp rút bớt một phần dầu, do đó giảm bớt tính kích ứng của thuốc dược liệu.

– Đốt bằng rượu hoặc cồn: Phương pháp này áp dụng cho những dược liệu không chịu được sức nóng như nhung nai, nhung hươu,… Phương pháp này giúp làm sạch lông, tạo mùi thơm cho dược liệu, không cháy xém, giảm mùi tanh và tăng thời gian bảo quản thuốc.

– Hơ: Hơ dược liệu trên lửa nhỏ cho khô ráo đến khi vàng giòn là được. Với một số vị thuốc có thể chỉ cần hơ nóng để chườm vào chỗ bị chấn thương.

– Sấy: Sấy dược liệu trên lửa nhỏ đến khi khô ráo, hơi vàng giòn.

– Hỏa phi: Phương pháp này dùng dược liệu là khoáng chất ngậm nước sao trực tiếp. Mục đích nhằm thay đổi cấu trúc của phân tử, thay đổi tính chất của dược liệu. Cách này áp dụng với các khoáng chất như phèn chua.

– Nướng: Phương pháp nướng không tẩm phụ liệu, nhằm mục đích chín thuốc và giảm tính mãnh liệt của thuốc.

– Chế sương: Đây là phương pháp nung kín, nhằm làm tinh khiết thuốc thành bột mịn.

bào chế dược liệu khô

2. Cách bào chế dược liệu bằng thủy chế

Bào chế dược liệu bằng thủy chế là phương pháp dùng sự tác động của nước hoặc các dung dịch phụ liệu trong các điều kiện nhiệt độ, mức độ khác nhau tùy vào từng mục đích sử dụng của vị thuốc.

Mục đích bào chế dược liệu bằng thủy chế

– Tăng tác dụng chữa bệnh của các dược liệu nhờ sự tác động của các phụ liệu.

– Giúp làm giảm các tác dụng có hại của thuốc, giảm độc tính.

– Giúp làm mềm các dược liệu, do đó việc sử dụng được dễ dàng hơn.

– Làm tăng khả năng giải phóng các hoạt chất do các tế bào của dược liệu hút nước và bị trương nở.

– Hạn chế sự phát triển của các nấm mốc, vi khuẩn ảnh hưởng đến thuốc. Quá trình bảo quản diễn ra thuận lợi, tránh gây vụn nát các dược liệu thuốc.

Các cách bào chế dược liệu bằng thủy chế

– Rửa, tẩy:

+ Rửa: Dùng nước sạch để rửa các dược liệu dạng hạt, rễ, củ. Trong quá trình rửa không nên ngâm lâu trong nước vì dễ mất các hoạt chất trong thuốc.

+ Tẩy: sử dụng rượu để dầm hoặc tẩm vào dược liệu khoảng 5 đến 10 phút rồi đem ra sắc.

– Ngâm: phương pháp này dùng nước hoặc dung dịch phù hợp đổ ngập vào dược liệu, để trong một khoảng thời gian nhất định trong nhiệt độ thích hợp và phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Sau đó thu lấy thuốc và loại bỏ dịch ngâm nhằm đạt được mục đích bào chế và điều trị.

Mục đích của phương pháp này giúp làm mềm các dược liệu để thuận lợi cho việc cắt, thái, tẩy các chất nhựa gây ảnh hưởng đến vị thuốc. Hoặc làm giảm tác dụng không mong muốn, giảm độc tính của thuốc, từ đó tăng tác dụng chữa bệnh của vị thuốc, lấy được các hoạt chất có tác dụng chữa bệnh từ các dược liệu. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng để bào chế các thuốc cao, rượu thuốc,…

– Phương pháp ủ: đây là phương pháp dùng dung dịch phụ liệu hoặc nước để tẩm vào dược liệu thuốc trong một thời gian nhất định, phù hợp với việc bào chế của từng loại thuốc cho đến khi đạt yêu cầu. phương pháp này giúp làm tăng tác dụng của dược liệu nhờ tác dụng hiệp đồng giữa các phụ liệu và dược liệu.

– Thủy phi: là cách tán thuốc ở trong dung môi hoặc trong nước trong điều kiện nhiệt độ và áp suất thích hợp thành các dạng thuốc bột mịn. Nhằm thu được dạng bột nhỏ, mịn tinh khiết, tránh được việc bay bụi thuốc và ảnh hưởng đến người chế biến, bào chế thuốc; tránh làm hao thuốc; hạn chế sự kích ứng của các dược liệu có tính độc mạnh; hạn chế sự tăng nhiệt độ có thể phân hủy thuốc thành chất độc trong quá trình tán do ma sát sinh ra.

Cách bào chế bằng thủy phi: cho dược liệu vào nghiền kỹ bằng cối sành hoặc cối sứ với nước. Khuấy đều tay và loại bỏ bớt các tạp chất, rồi gạn lấy phần dịch nước đục chứa các hạt thuốc mịn, nhỏ. Sau đó cho thêm nước vào nghiền phần cắn lặng ở dưới rồi gạn lại. Làm như vậy nhiều lần đến khi thu được toàn bộ thuốc. Mang phần bột thu được phơi ở những chỗ thích hợp, sạch sẽ đến khi khô.

– Thủy bào: phương pháp này sử dụng nước sôi để nguội còn 60ºC – 70ºC, rồi cho dược liệu vào khuấy đều, nhẹ và liên tục đến khi nguội. Làm liên tục như vậy 2 đến 3 lần. Cách này nhằm mục đích làm giảm bớt tính mãnh liệt của dược liệu.

3. Cách bào chế dược liệu kết hợp thủy hỏa chế

Đây là cách bào chế dược liệu thông qua sự kết hợp sự tác động của nước hoặc dung môi với lửa (có thể trực tiếp hoặc gián tiếp), trong nhiệt độ cao hơn nhiệt độ tự nhiên, với mục đích nhằm thay đổi tính chất và tăng hiệu lực chữa bệnh của thuốc.

Các cách bào chế:

*Chích: là phương pháp tẩm một hoặc nhiều loại dung dịch phụ liệu thích hợp vào các vị thuốc, rồi ủ đến khi thấm đều thì nướng hoặc sao. Tùy vào từng loại dược liệu mà thời gian tẩm có thể từ 1 đến 10 giờ.

– Mục đích của phương pháp này giúp làm tăng tác dụng điều trị bệnh của dược liệu; Thay đổi tính vị của dược liệu, khuynh hướng tác dụng (như tăng tính ấm, giảm tính ứ trệ, giảm tính hàn); Khi chế với rượu có tác dụng tăng tác dụng thăng đề của thuốc; Chế với muối giúp tăng tác dụng trầm giáng; Chế với giấm giúp tăng tác dụng thu liễm,…

– Tẩm sao: Đây là một phương pháp bào chế được sử dụng phổ biến trong bào chế thuốc đông dược. Mục đích nhằm thay đổi tính dược và tác dụng của các vị thuốc.

– Các phụ liệu thường được sử dụng để tẩm sao bao gồm: rượu, muối, nước gừng, giấm, nước vo gạo, sữa, đồng tiện, mật, đường, nước đậu đen, nước cam thảo, hoàng thổ.

* Chưng: là phương pháp bào chế dược liệu bằng cách đun cách thủy thuốc với dung dịch phụ liệu hoặc nước.

– Mục đích của phương pháp này giúp làm chín dược liệu để tiện trong việc bảo mỏng, chế thuốc; Giúp chuyển hóa thuốc với điều kiện khi ở nhiệt độ cao (khoảng 100 độ C); Một số vị thuốc khi chưng với rượu có vị ngọt và thơm hơn, giảm tính đắng chát, làm giảm mùi tanh, giảm bớt khí lạnh, giảm các tác dụng phụ của thuốc; Thuốc dễ được hấp thu hơn và có tác dụng bồi bổ cơ thể khi ngâm với rượu, thời gian bảo quản thuốc được lâu.

– Cách bào chế: Cho dược liệu cùng với nước, dung dịch phụ liệu với lượng phù hợp vào nồi và đậy kín. Sau đó đặt nồi vào trong một nồi hoặc chảo to, nước ngập nửa nồi, lót một miếng gỗ dưới đáy nồi. Tiến hành đun với lửa to để nước trong nồi sôi, sau đó đun nhỏ lửa đến khi thuốc đạt yêu cầu. Trong quá trình chưng cần cho thêm nước vào nồi bên ngoài.

– Thời gian chưng: hiện nay thời gian chưng thông thường là chưng liên tục trong 3 ngày đêm, tẩm đến khi hết dịch chứng thì đem đi phơi cho khô.

* Nấu: là phương pháp đun sôi dược liệu trong một lượng chất lỏng lớn và thích hợp, trong thời gian nhất định đối với từng loại dược liệu.

Mục đích của phương pháp này: Làm cho dược liệu mềm ra, dễ bào chế hơn; Giúp làm tăng hiệu quả điều trị của dược liệu; Nấu dược liệu với các phụ liệu giúp giảm tính kích thích, độc tố có trong dược liệu;…

Tôi: phương pháp này sử dụng để nung dược liệu ở nhiệt độ cao rồi đem nhúng vào nước hoặc dung dịch phụ liệu.

Mục đích của phương pháp này: Giúp giảm độ bền cơ học của dược liệu; Giúp làm giảm các thành phần hóa học gây ra tác dụng bất lợi do quá trình nung tạo ra.

Ngoài các cách bào chế trên còn có một số phương pháp bào chế khác như: Chế khúc (dùng dược liệu tán nhỏ trộn với nước, bột kết dính, đóng thành bánh và sấy khô); Rán dầu (dùng dầu sôi để rán dược liệu, giúp hòa tan hoặc phân các hoạt chất trong thuốc có khả năng tan trong dầu với mục đích làm giảm độc tính).

Trong y dược, cách bào chế dược liệu khô để làm thuốc có nhiều phương pháp với cách làm vô cùng phức tạp. Dược liệu phải trải qua một quá trình bào chế, để sản xuất ra những vị thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh hiệu quả nhất đối với con người. Hy vọng với những thông tin trên, sẽ giúp bà con hiểu thêm về các sản phẩm thuốc dược liệu và quá trình tạo ra chúng.

Giới thiệu về Công ty cổ phần Công nghệ xanh Nhật Minh – Nhà máy Nhật Minh

Được đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại đạt chuẩn GMP cùng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dược liệu, chiết xuất và bào chế dược, mỹ phẩm nhà máy có 3 dịch vụ chính:

  • Chiết xuất nguyên liệu
  • Nghiên cứu & sản xuất thực phẩm bổ sung ĐỘC QUYỀN theo đơn đặt hàng
  • Nghiên cứu & sản xuất mỹ phẩm ĐỘC QUYỀN theo đơn đặt hàng

Nhật Minh sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu dược liệu, chiết xuất và bào chế để nghiên cứu, tối ưu công thức đáp ứng mọi nhu cầu của đối tác

[flatsome-sidebar id="after-single-content"]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *